Tác động đến xã hội và văn học Việt Phong Hóa (tuần báo)

Trong khoảng 4 năm tồn tại, báo Phong Hóa của nhóm Tự Lực văn đoàn đã có những tác động đến xã hội và văn học Việt như sau:

Về xã hội

Như trên đã nói, tờ Phong Hóa đổi mới, vừa ra đời đã nổ ra như "một trái bom", mang lại cho xã hội Việt Nam một "cái cười" khác trước. Đáng chú ý là vừa bắt đầu ra đời (số 14), tờ báo ấy đã đánh thẳng vào Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí và những người lãnh đạo hai tờ báo ấy (bài "Phong dao mới"). Sau đó, báo còn chế giễu nhiều nhân vật khác như: Hoàng Tăng Bí, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Dương Bá Trạc, v.v... làm "thổi tung những lớp bụi bặm phủ đầy trên lâu đài văn hóa cũ, báo hiệu sự hình thành những khuynh hướng mới của một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ tuổi ý thức được trách nhiệm của mình trước lịch sử, và hiên ngang đòi quyền lãnh đạo trong văn học"[17].

Bên cạnh đó, với chủ trương duy tân và cấp tiến của mình, báo Phong Hóa còn lấy "trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí", để chỉ ra và thúc đẩy người dân trút bỏ những tập tục cũ, đi vào con đường Âu hóa từ vật chất cho đến tinh thần. Đồng thời qua những bài lý luận thời sự về xã hội, chính trị, kinh tế...của Hoàng Đạo, cũng chứng tỏ nhóm làm báo Phong Hóa rất quan tâm đến xã hội, đến việc "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" như tinh thần của nhà ái quốc Phan Chu Trinh đã bàn đến hồi đầu thế kỷ 20 [18].

Tuy nhiên, việc làm của báo Phong Hóa không phải không gặp những ý kiến phản đối. Thi sĩ Nguyễn Vỹ kể lại:

...Nhận xét khách quan, thì thấy phản ứng của độc giả báo Phong Hóa chia làm hai loại.Các giới trí thức bảo thủ và cách mạng cực đoan đều không tán thành cái chủ trương người Việt Nam công khai kích bác và mỉa mai chế nhạo người Việt Nam trong lúc người Pháp đã khinh rẽ người An Nam (tức Việt Nam) mình nhiều quá rồi... Nhà văn và nhà báo có trách nhiệm giáo hóa dân chúng, đưa dân chúng lên con đường văn minh, tiến bộ, chứ không có quyền châm biếm, chê cười những phong tục cổ truyền của dân tộc. Người ta kết án cái chủ trương của báo Phong Hóa ở điểm đó...Phản ứng thứ hai của thanh niên và các giới bình dân thì có tính cách tiêu cực, dễ dãi hơn. Họ chỉ biết vỗ tay cười, cười vô ý thức, như khi họ xem một chú hề làm trò cười trước khán giả.Trên phương diện chính trị, chính phủ thuộc địa Pháp, và thực dân Pháp ở An Nam nhìn các hoạt động rộn rịp của Nguyễn Tường Tam và nhóm Phong Hóa, với cặp mắt đầy thiện cảm. Vì sau những vụ bùng nổ đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Nguyễn Thái HọcĐông Dương Cộng sản Đảng của Nguyễn Ái Quốc, chính phủ thực dân Pháp rất bằng lòng thấy đa số thành phần trí thức, thanh niên thiếu nữ An Nam chạy theo các phong trào lãng mạn của nhóm Nguyễn Tường Tam và các mốt áo quần mới do nhóm Phong Hóa cổ động. Nhạo báng người "An-nam-mít" lố bịch tên là Lý Toét, Xã Xệ,...vừa gây ra trận cười vui nhộn khắp các từng lớp dân chúng, vừa để quên các biến cố cách mạng vừa xảy ra, và thờ ơ lãnh đạm của tất cả các vấn đề "quốc sự", đó là rất hợp với chánh sách thực dân Pháp thời bấy giờ...[11]

Một nhà văn đương thời khác là Trương Tửu, cũng đã nhận xét rằng nhóm Tự Lực văn đoàn đã "vô tình hay hữu ý mắc mưu thực dân Pháp". Hưởng ứng phong trào "vui vẻ trẻ trung năm 1932" và đề cao "tinh thần lãng mạn và nghệ thuật thuần túy", nhóm ấy đã làm cho thanh niên quên đi con đường đấu tranh gian nan, ngả theo khuynh hướng hưởng lạc...[19]

Về văn học

Báo Phong Hóa đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Bởi trong nhiều năm liền, tờ báo ấy là cơ quan ngôn luận chính của Tự Lực văn đoàn; và họ đã làm cho tờ báo tiến bộ nhiều từ nội dung cho đến hình thức.

Với vai trò đó, ngoài việc đem đến "cái cười" cho bạn đọc, báo Phong Hóa, còn công bố các sáng tác có giá trị của các nhà văn, nhà thơ (chủ yếu là của nhóm Tự Lực văn đoàn) trước khi in thành sách. Nhờ vậy mà "cuộc cách tân tiểu thuyết tiến lên một bước mới", phong trào "thơ mới" đi đến toàn thắng, đồng thời làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giản, ít chữ Hán, khiến cho nhiều người thích đọc...Ngoài ra, báo Phong Hóa cũng là nơi cho thành viên của nhóm giới thiệu những họa mới, nhạc mới, các kiểu trang phục tân thời (trong đó nổi bật là kiểu áo Lemur), v.v...[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phong Hóa (tuần báo) http://boxitvn.blogspot.com/2012/09/ung-ngay-nay-8... http://www.nguoi-viet.com/thuviennguoiviet/phongho... http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamthaonguyen/ptha... http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=7466&catid=3 http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://www.vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2002/N12964/Phong...